Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Từ trước đến nay, chúng ta luôn nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra đối với những người già, tuy nhiên trong thời gian gần đây đột quỵ đã xảy ra cả với độ tuổi của những người trẻ, thậm chí có cả trẻ em. Con số những người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng cao đến mức báo động vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội..
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Còn tại Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ/1 năm, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Đột quỵ hiện nay đang là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn là của toàn thế giới. Độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, trong đó độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 2,5 lần so với nữ. Những di chứng của đột quỵ để lại nặng nề nên việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn.
Đối tượng nào dễ bị đột quỵ
Thông thường đột quỵ xảy ra phổ biến ở những người trên 65 tuổi, tuy nhiên theo thống kê gần đây, có khoảng 34% những người nhập viện vì đột quỵ là dưới 65 tuổi. Kết quả này cho thấy, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, đáng báo động xảy ra ở người trẻ từ 15 đến 49 tuổi với nhóm đối tượng có các yếu tố nguy cơ dưới đây:
Thường xuyên bị Stress
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh), làm việc trên 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ đột quỵ lên khoảng 33% do căng thẳng. Các nhà khoa học lý giải, căng thẳng khiến tim phải làm việc nhiều hơn, đồng thời làm tăng huyết áp, tăng lượng đường và chất béo trong máu. Đặc biệt, căng thẳng kéo dài sản sinh quá mức gốc tự do tại não, làm tổn thương thành mạch máu, tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa và cục máu đông.
Mảng xơ vữa và cục máu đông khiến lòng mạch bị thu hẹp lại, gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó giảm lưu lượng và oxy lên não. Tế bào não không được cung cấp đủ máu và oxy sẽ suy yếu và chết dần, dẫn đến đột quỵ.
Không chỉ căng thẳng trong công việc, nhiều người có bị stress bởi áp lực gia đình, con cái, dịch bệnh, chi phí sinh hoạt leo thang…
Bên cạnh đó, khi bị stress quá mức, nhiều người thường có xu hướng giải tỏa căng thẳng bằng cách ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều rượu bia hoặc hút thuốc lá. Lối sống thiếu lành mạnh này cũng làm tăng nguy cơ phát triển cơn đột quỵ.
Rượu bia và các chất kích thích
Việc lạm dụng rượu bia và các chất kích thích làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 34%, kết quả từ một khảo sát công bố trên tạp chí Stroke. Chuyên gia cho hay, uống rượu bia nhiều thúc đẩy các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, bao gồm: tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, thừa cân, tổn thương gan, rung tâm nhĩ… Trong khi đó, lạm dụng các chất kích thích khác có thể gây thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết và làm thay đổi huyết áp, dẫn đến nguy cơ đột quỵ
Đau nửa đầu
Những người bị đau đầu kèm theo hào quang có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần so với những người không bị đau đầu hay đau nửa đầu. Nghiên cứu của trường Đại học Y khoa hoàng gia Luân Đôn (Anh) cũng cho thấy, 40% trường hợp đột quỵ liên quan trực tiếp đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Giải thích về mối liên hệ giữa đau đầu và đột quỵ được đưa ra là chứng đau nửa đầu có thể gây viêm bên trong động mạch. Tình trạng viêm có thể làm cho lòng mạch cứng lại và khiến máu dễ đông hơn. Cả hai điều này đều làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Rối loạn giấc ngủ lâu ngày
Những người bị mất ngủ hoặc ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ tăng tới 83% so với nhóm người ngủ đủ 7-8 giờ, theo nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Y khoa Icahn (ISM) công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Cao huyết áp Mỹ. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, nguy cơ đột quỵ do chứng mất ngủ xảy ra ở tuổi thanh niên cao hơn gấp 8 lần so người lớn tuổi.
Mối liên hệ giữa mất ngủ với đột quỵ vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, mất ngủ có thể làm thay đổi sức khỏe tim mạch do viêm hệ thống, rối loạn dung nạp glucose, tăng huyết áp và cường giao cảm. Cùng với đó, rối loạn giấc ngủ kéo dài gây tâm lý căng thẳng cũng khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Huyết áp cao, béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường
Đây là những yếu tố góp phần gia tăng rủi ro đột quỵ, cụ thể:
- Huyết áp cao: Nếu huyết áp cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến hiện tượng căng tim và hỏng mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các bệnh lý về mắt hoặc thận.
- Bệnh tim mạch: Bệnh động mạch vành có thể gây đột quỵ bởi mảng bám tích tụ trong lòng mạch, chặn dòng chảy của máu giàu oxy lên não. Các bệnh tim khác, chẳng hạn: khuyết tật van tim, nhịp tim không đều, rung tâm nhĩ và buồng tim mở rộng có thể gây ra các cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ.
- Thừa cân/ béo phì: So với những người có cân nặng bình thường, người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn. Nguyên nhân là vì người béo phì thường gặp các vấn đề như huyết áp cao, cholesterol “xấu” LDL-c cao, cholesterol “tốt” HDL-c thấp, tiểu đường… Tất cả những vấn đề này là điều kiện thuận lợi để đột quỵ xuất hiện.
- Tiểu đường: Đường huyết cao do bệnh tiểu đường có thể làm hỏng mạch máu và các dây thần kinh điều khiển tim và mạch máu. Theo thời gian, tổn thương này có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
Các biện pháp phòng ngừa và điều trị đột quỵ
Tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi đang tăng cao, đặc biệt là ở độ tuổi người trẻ càng nhiều và ít người chú ý đến việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu khi gặp người bị đột quỵ. Khi bệnh nhân bị đột quỵ ban đầu chỉ có 6 giờ đầu thì sẽ có cơ hội điều trị tái tưới máu. Đây là thời gian vàng khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời và đúng lúc nằm sớm được điều trị tái tưới máu. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có khoảng 14% trong tổng số 33% bệnh nhân đến sớm đã được điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc sử dụng các dụng cụ lấy huyết khối đường động mạch. Các bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não chiếm 76%, tỉ lệ đột quỵ do chảy máu não là 24%.
Có những bệnh nhân khi tới bệnh viện bị cấp cứu mới chỉ có 11 tuổi, đối với những bệnh nhân bị đột quỵ khi còn trẻ thường là đột quỵ chảy máu não sẽ liên quan đến tăng huyết áp ở bệnh nhân. Tuy nhiên rất nhiều trong số đó liên quan đến những bất thường về mạch máu vốn có tiềm ẩn từ trước mà người bệnh không được phát hiện, và đột quỵ là hậu quả cuối cùng ở thời điểm mạch máu bị vỡ ra. Chính vì vậy, những bệnh nhân có người nhà có tiền sử bất thường về mạch máu, ví dụ như dị dạng động tĩnh mạch, các khối phình động mạch não thì nên tầm soát người trong gia đình để phát hiện sớm các trường hợp có yếu tố nguy cơ, từ đó có các biện pháp phòng ngừa vỡ các mạch máu gây ra đột quỵ chảy máu não.
Nghiên cứu chiến lược điều trị và phòng ngừa đột quỵ mới đây tại Hà Nội, thông qua Hội thảo chuyên đề về “cập nhật chẩn đoán, điều trị đột quỵ và bệnh lý mạch máu não” các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra các khuyến cáo cụ thể về các biện pháp phòng ngừa và điều trị đột quỵ. Trong đó vấn đề về cấp cứu chung, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để làm sao có thể mang được nhiều cơ hội cho người bệnh cấp cứu đột quỵ có thể được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5 – 6 giờ. Cần thay đổi lối sống lành mạnh đồng thời thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kỳ cũng như kiểm soát chỉ số huyết áp tốt, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
Là điểm đến đáng tin cậy – Bệnh viện đa khoa An Phú tự hào mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nhất. Với đầy đủ các chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ Y, Bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh. Bệnh nhân hoặc người nhà vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú, Số 5 KDC Nam Phương, đường 22/12, KP 1A, P. An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương. Điện thoại số: 0274 6550 115 – 0911071001. Mail: benhvienanphu@gmail.com; Web: http://benhvienanphu.vn; Zalo: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú Facebook: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú.
(TT.BVĐK An Phú)