BS.CKII Lương Công Thái
ThS.BS. Trần Minh Dũng
Viêm xoang cấp là bệnh thường gặp ở người Việt Nam (cứ 100 người thì có 5 người bị viêm xoang), tỉ lệ người bệnh đến khám vì viêm xoang lên đến 30% ở Khoa Tai Mũi Họng. Viêm xoang cấp cần điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tấy-áp xe quanh ổ mắt, viêm màng não, viêm phế quản,… hoặc tái phát nhiều lần chuyển thành viêm xoang mạn. Để ngăn chặn bệnh lý này, điều đầu tiên người bệnh cần là nắm rõ các triệu chứng tiêu biểu của bệnh từ đó phát hiện sớm và lựa chọn phương pháp khắc phục thích hợp, mang lại hiệu quả cao.
Các câu hỏi thường gặp:
- Viêm xoang cấp là bệnh gì?
Viêm xoang cấp là tình trạng viêm của các xoang cạnh mũi. Bệnh thường xảy ra sau một đợt viêm đường hô hấp trên và kéo dài không quá 4 tuần.
Viêm xoang CẤP xảy ra lần đầu ở người trẻ, khỏe mạnh. Ở người có tiền sử viêm xoang mạn trước đó, thỉnh thoảng bị viêm xoang ĐỢT CẤP
2. Vì sao tôi bị viêm xoang cấp?
Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang:
- Do nhiễm khuẩn: virus, vi khuẩn, nấm, viêm xoang do răng
- Do bất thường giải phẫu: vẹo vách ngăn, bóng khí cuốn giữa, quá phát mỏm móc, khối u vùng mũi họng
- Do dị ứng: phấn hoa, lông chó mèo, mạt nhà
- Do môi trường ô nhiễm, tiếp xúc khói bụi, hoá chất
- Do chấn thương làm tắc nghẽn lỗ thông xoang, dị vật bỏ quên
3. Biểu hiện thường gặp của viêm xoang cấp?
- Toàn thân: mệt mỏi, sốt (thường nhẹ, ở trẻ em có thể sốt cao)
- Tai: ù tai
- Mũi: Chảy nước mũi đặc, vàng xanh, viêm xoang lâu ngày thường có mùi hôi. Nghẹt mũi. Ngửi mùi kém hoặc mất mùi.
- Họng: vướng họng, đau họng thường xuyên do đàm, mủ từ xoang chảy xuống.
- Đau đầu, nhức mặt ở các vùng xoang tương ứng (má, trán, hốc mắt, giữa hai chân mày)
4. Viêm xoang cấp có nguy hiểm không?
Viêm xoang cấp không điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ gây ra các biến chứng:
- Viêm xoang mãn: khi viêm xoang kéo dài trên 12 tuần
- Viêm màng não-não: do nhiễm trùng xâm lấn qua xương sọ vào não
- Viêm tấy-áp xe ổ mắt: nhiễm trùng xâm lấn ổ mắt gây giảm thị lực, nhìn mờ, có nguy cơ bị mù loà.
- Viêm tai giữa: nhiễm trùng thông qua lỗ vòi tai đi vào tai giữa, gây đau tai, ù tai, nghe kém
- Viêm họng-thanh quản: đàm, mủ từ xoang chảy xuống họng, vào thanh quản, gây đau họng, vướng họng, khàn tiếng, ho kéo dài.
5. Làm sao để biết tôi bị viêm xoang cấp?
Để chẩn đoán viêm xoang cấp, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh và thăm khám trực tiếp để xác định tình trạng người bệnh. Quá trình thăm khám có thể bao gồm:
- Khám họng
- Soi mũi trước bằng đèn đội đầu
- Ấn chẩn các vùng xoang, tìm điểm đau chói của xoang viêm
Ngoài ra, bác sĩ thường chỉ định một số xét nghiệm, kiểm tra hình ảnh để chẩn đoán viêm xoang cấp:
- Xét nghiệm máu: đánh giá dấu hiệu nhiễm trùng của người bệnh.
- Nội soi mũi xoang: thực hiện bằng cách dùng ống nội soi nhỏ, trơn láng đi vào mũi để tìm hình ảnh viêm xoang và các bất thường khác trong mũi xoang của người bệnh. Qua đó, bác sĩ cũng sẽ tầm soát khối u vòm.
- Kiểm tra hình ảnh: bác sĩ có thể cho người bệnh chụp phim Xquang, CTscan, MRI tuỳ tình trạng bệnh. Phương pháp này cho phép bác sĩ nhìn rõ được hình ảnh dịch, khối u trong các xoang, vị trí và mức độ xoang viêm, các bất thường vách ngăn…
6. Chữa viêm xoang cấp bằng cách nào?
Người bệnh cần đi khám bác sĩ để được kê đơn. Tuỳ tình trạng và cơ địa người bệnh mà bác sĩ kê thuốc phù hợp, tránh tình trạng tự mua thuốc uống sẽ dẫn đến tác dụng phụ như dị ứng thuốc, lờn thuốc, ảnh hưởng gan, thận… Thời gian điều trị khoảng 10-14 ngày. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, uống thuốc và tái khám theo lịch hẹn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp để làm giảm nhanh tình trạng viêm, giúp người bệnh thoải mái, dễ chịu như: phun khí dung mũi họng, hút rửa mũi xoang, rửa xoang Proetz (làm “kê”)
Một số phương pháp chăm sóc tại nhà:
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
- Súc họng nước muối sinh lý
- Rửa mũi xoang theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ăn đầy đủ chất, tăng cường rau xanh, trái cây
- Uống nhiều nước, 2-3 lít/ngày
7. Viêm xoang cấp có phải mổ không?
Trường hợp người bệnh viêm xoang dai dẳng, tái phát nhiều lần, hoặc xuất hiện các biến chứng, bất thường giải phẫu ở mũi xoang… bác sĩ sẽ chỉ định mổ để:
- Làm thông thoáng mũi xoang
- Loại bỏ nhầy mủ trong mũi xoang
- Sửa vách ngăn bị lệch, vẹo
- Loại bỏ khối u, polyp mũi xoang.
8. Làm cách nào để phòng ngừa viêm xoang cấp?
- Chữa dứt điểm các bệnh viêm hô hấp trên: viêm amydan, viêm VA, viêm mũi, viêm họng…
- Chữa trị các bệnh về nướu, răng.
- Đánh răng, súc miệng, họng bằng nước muối
- Xịt mũi hàng ngày bằng nước muối phun sương.
- Tránh tiếp xúc khói bụi, hoá chất… Nếu công việc thường xuyên tiếp xúc, cần sử dụng khẩu trang hay đồ bảo hộ, vệ sinh mũi họng ngay sau khi làm việc.
- Tránh các tác nhân gây dị ứng: lông chó mèo, phấn hoa, mùi hương kích thích… Vệ sinh dọn dẹp nhà cửa thường xuyên
- Ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi hợp lí.
- Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
Là điểm đến đáng tin cậy – Bệnh viện đa khoa An Phú tự hào mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nhất. Với đầy đủ các chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh. Bệnh nhân hoặc người nhà vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú, Số 5 KDC Nam Phương, đường 22/12, KP 1A, P. An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương. Điện thoại số: 0274 6550 115 – 0911071001. Mail: benhvienanphu@gmail.com; Zalo: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú Facebook: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú.