Hơn nửa thế kỷ qua, y học đã chứng minh về thuốc chẹn Bêta (β) trong điều trị bệnh liên quan đến tim mạch. Khởi đầu có thể kể đến nhà dược lý học James Black, người Scotland phát hiện ra năm 1964. Nhờ phát hiện này mà James Black đã được giải Nobel về Sinh lý và Y học.
Trải qua nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thông qua các bệnh án thực tế được giới chuyên môn đánh giá cao về loại dược phẩm Bêta trong vai trò điều trị suy tim mạn tính. Trong khuôn khổ bài viết liên quan đến bệnh suy tim mạch chúng tôi xin đề cập một vài chi tiết bổ ích về vai trò thuốc chẹn Bêta cho những bệnh nhân suy tim có thể áp dụng.
Suy tim là trạng thái bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu ôxy cho cơ thể trong các trạng thái sinh hoạt của người bệnh. Một trong những thông số biểu hiện hoạt động của tim là cung lượng tim. Cung lượng tim phụ thuộc vào 4 yếu tố: tiền gánh, hậu gánh, sức co bóp và tần số tim. Trong suy tim, vấn đề cơ bản là cung lượng tim không đảm bảo cung cấp máu cho nhu cầu cơ thể, khi đó cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cơ chế bù trừ như: tại tim, hệ thần kinh giao cảm được kích thích để làm tăng sức co bóp của cơ tim, tăng tần số tim nhằm làm tăng cung lượng tim. Ngoài ra, sự hoạt hóa của nhiều hệ thống thần kinh thể dịch đảm bảo tưới máu cho những nội tạng cần thiết, đồng thời các nội tạng ít quan trọng sẽ nhận được ít máu hơn. Các hệ thống ngoài tim làm tăng hoạt tính của hệ giao cảm ngoại biên, hệ rennin-angotensin-aldosteron (RAA), làm tăng giải phóng arginin-vasopressin để duy trì cung lượng tim.
Đề tài nghiên cứu y khoa về “Vai trò thuốc chẹn Beta trong điều trị suy tim mạn” của bác sĩ CKI Hoàng Như Phúc – khoa tim mạch, BVĐK An Phú dựa trên cơ sở đánh giá của Hội tim mạch Việt Nam đã đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể giúp bệnh nhân suy tim mạch chữa trị rất khả quan.
Qua các nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng noradrenalin lâu dài sẽ dẫn đến giảm lưu lượng máu qua động mạch vành gây thiếu ôxy mô cơ tim. Khi dùng các thuốc chẹn beta giao cảm sẽ làm giảm các catecholamine, các thụ thể sẽ được bảo vệ. Vì thế, vai trò của thuốc chẹn beta giao cảm trong điều trị suy tim mạn là giảm trương lực giao cảm, giảm tần số tim, giảm dẫn truyền, chống loạn nhịp, giảm co cơ tim, giảm hậu quả xấu của noradrenalin, làm giảm thiếu máu cục bộ cơ tim.
Thuốc chẹn beta được dùng để điều trị các cơn tim nhanh, khống chế tần số trong cơn rung nhĩ, làm giảm cơn đau thắt ngực cũng như làm giảm tử vong trong nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, chẹn beta còn được dùng cho một số bệnh lý ngoài tim như đau nửa đầu migrain, cường giáp, glaucoma… Thuốc còn làm giảm tính tự động của nút xoang và các ổ chủ nhịp tiềm tàng khác nên giảm các đáp ứng giao cảm của cơ thể khi gắng sức hoặc bị stress. Do vậy, huyết áp sẽ không bị tăng đột ngột.
Với mục tiêu chính trong dùng thuốc chẹn beta nhằm phòng ngừa tổn thương cơ tim; giảm tái cấu trúc tim; Cải thiện triệu chứng tăng khả năng gắng sức, giảm số lần nhập viện, tạo chất lượng cuộc sống; quan trọng hơn là giảm nguy cơ tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy, thuốc chẹn beta làm giảm đột tử do suy tim, bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu trên bệnh nhân suy tim có nguy cơ đột tử cao sẽ giảm tỷ lệ tử vong trên 53%.
Dùng thuốc chẹn Bêta như thế nào?
Thuốc chẹn beta nên được uống vào buổi sáng trong bữa ăn hoặc lúc đi ngủ và thường dùng với bữa ăn nhẹ buổi đêm. Lý do dùng với bữa ăn là để hấp thụ thuốc chậm lại làm giảm tác dụng phụ của thuốc. Số lần dùng và liều dùng phụ thuộc vào loại thuốc và chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn lỡ quên liều thuốc cần hỏi lại bác sĩ của bạn ngay.
Nếu bệnh nhân có huyết áp quá thấp hoặc nhịp tim quá chậm thì không nên sử dụng thuốc chẹn bêta. Các trường hợp hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng không dùng thuốc chẹn bêta vì thuốc có thể làm cho các triệu chứng của những bệnh này nặng nề hơn. Trường hợp bị suy tim mà có ứ trệ ở phổi, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc lợi tiểu để tình trạng ứ trệ này giảm hẳn trước khi kê thuốc chẹn bêta.
Khi dùng thuốc chẹn beta, bạn nên theo dõi nhịp tim của mình hàng ngày. Nếu nhịp tim quá thấp, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của mình. Không nên dừng thuốc chẹn bêta mà không hỏi ý kiến bác sĩ, bởi ngừng thuốc đột ngột có thể làm cho các bệnh lý tim mạch nặng nề hơn.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Tác dụng phụ của thuốc: Ngoài những tác dụng phụ như ảnh hưởng lên tần số tim và làm nặng tình trạng bệnh của bệnh nhân hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuốc chẹn bêta có thể có những tác dụng phụ như gây mệt mỏi, đau đầu, lạnh tay, rối loạn tiêu hóa, choáng váng, khó thở, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm. Một số thuốc chẹn bêta có thể gây nên tình trạng rối loạn chuyển hóa đường máu và suy giảm chức năng tình dục. Các thuốc chẹn bêta thế hệ thứ ba như nebivolol có thể hạn chế được các tác dụng phụ này.
Các trường hợp đặc biệt cần lưu ý khi dùng thuốc:
Đối với phụ nữ có thai và nuôi con bú: Dùng thuốc chẹn bêta cho phụ nữ có thai có thể ảnh hưởng đến phát triển thai nhi qua làm chậm tần số tim, làm thấp huyết áp và nồng độ đường máu của thai nhi. Thuốc chẹn bêta cũng đi qua đường sữa, nên có thể làm trẻ bú mẹ bị huyết áp thấp, khó thở và nhịp tim chậm. Vì vậy cần thông báo với bác sĩ của bạn khi bạn đang có thai hoặc nuôi con bú.
Đối với trẻ em: Thuốc chẹn bêta có thể dùng ở trẻ em trong một số bệnh lý sau như suy tim, tăng huyết áp, nhịp tim không đều và đau nửa đầu migrain.
Với người lớn tuổi: Khi dùng nên cho giảm liều thuốc chẹn beta.
Để chủ động trong việc dùng thuốc hiệu quả, các bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định và những khuyến cáo từ Bác sĩ. Tùy từng trường hợp bệnh lý ở mỗi bệnh nhân, các Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra tổng quát, kiểm tra tiền sử bệnh tật và xét nghiệm máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang và siêu âm để có thể kết luận tình trạng bệnh lý ở mỗi bệnh nhân. Tại BVĐK An Phú nơi thực hiện những giải pháp tối ưu trong quá trình khám và điều trị với rất nhiều bệnh lý, trong đó khoa tim mạch là một trong những chuyên khoa nỗi trội giúp bệnh nhân an tâm điều trị.
Bệnh viện đa khoa An Phú tự hào mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nhất. Với đầy đủ các chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh. Bệnh nhân hoặc người nhà vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú, Số 5 KDC Nam Phương, đường 22/12, KP 1A, P. An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương. Điện thoại số: 0274 6550 115 – 0911071001. Mail: benhvienanphu@gmail.com; Zalo: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú Facebook: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú.
Tư vấn chuyên khoa: BS.CKI Hoàng Như Phúc
Bài viết: Gia Gia Hưng