Nội dung bài viết
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo nguy cơ bệnh sởi lan rộng trên toàn cầu do đại dịch COVID-19 làm sụt giảm mức độ tiêm chủng và sự cảnh giác đối với căn bệnh này.
Bệnh sởi là gì
Virus sởi một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae và chỉ có một vật chủ tự nhiên là con người. Sởi là bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên toàn cầu, chúng lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus sởi làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến con người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi và tiêu chảy. Do đó, bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông – Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ. Phần lớn số ca tử vong liên quan đến sởi là do biến chứng như viêm não và mất nước. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biến chứng nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.
Diễn biến mới nhất của bệnh sởi trong gia đoạn hiện nay
Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố, chỉ khoảng 81% trẻ em đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng sởi, trong khi 71% đã tiêm mũi thứ hai. Tỷ lệ này đánh dấu độ bao phủ vaccine phòng bệnh sởi toàn cầu thấp nhất kể từ năm 2008. Cũng theo WHO, nguyên nhân gây ra sự tái bùng phát của dịch sởi – một trong những dịch bệnh nghiêm trọng nhất đối với trẻ em là sự gián đoạn các chiến dịch vắc-xin do đại dịch COVID-19. Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi đã giảm dần kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
Năm 2021, lỗ hổng vắc-xin đạt mức cao kỷ lục với gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc-xin sởi, trong đó 25 triệu trẻ bỏ lỡ liều đầu tiên và 14,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ hai, theo thống kê chung của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC).
Dấu hiệu dịch sởi quay trở lại đã bắt đầu từ năm 2021 với khoảng 9 triệu ca mắc và 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn thế giới trong bối cảnh 22 quốc gia trải qua những đợt bùng phát lớn và gây gián đoạn.
Tỉ lệ bao phủ vắc-xin giảm, hoạt động giám sát bệnh sởi suy yếu, các hoạt động tiêm chủng tiếp tục bị gián đoạn và chậm trễ do COVID-19, cũng như các đợt bùng phát lớn kéo dài đã xuất hiện vào các tháng đầu năm 2022 vừa qua đồng nghĩa với việc dịch sởi trở thành mối đe dọa sắp xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới.
WHO ước tính hiện toàn cầu có gần 40 triệu trẻ em đang đứng trước nguy cơ bị nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng do dịch sởi. Với con số trên cho thấy tình hình hiện nay là “rất nghiêm trọng” bởi bệnh sởi là một trong những virus lây lan hàng đầu ở người, trong đó trẻ em chịu thiệt hại lớn nhất.
Những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch sởi
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất. Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.
- Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.
- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày.
- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.
Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.
Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.
Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.
Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.
Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.
Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, như sốt lặp lại, ho nhiều hơn và có đờm, hay nheo mắt vì chói, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, co giật, li bì, trẻ mệt hơn, thở nhanh nông, khàn tiếng hoặc mất tiếng hoặc có các biểu hiện bất thường khác… cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Phụ nữ mang thai bị mắc sởi đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có pháp đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.
Là cơ sở y tế đáng tin cậy, Bệnh Viện đa khoa An Phú luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để khám và chăm sóc cho tất cả bệnh nhân. Quí khách khi có nhu cầu về sức khỏe hãy liên hệ cùng chúng tôi theo số điện thoại: 0911.071.001– 0917.665.115 chuyên viên chăm sóc khách hàng sẽ tư vấn, đặt lịch hẹn với quý khách.
(TRUYỀN THÔNG BVĐK AN PHÚ)