Nội dung bài viết
Đái tháo đường là bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong những năm gần đây các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường đã gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Con số ngày càng tăng này là một nguyên nhân gây lo ngại và đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát tác động của nó. Đặc biệt khi thời tiết lạnh mùa đông thì việc quản lý bệnh tiểu đường có thể trở nên hơi khó khăn hơn đòi hỏi người bệnh phải có kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục một cách khoa học mới kiểm soát được căn bệnh này.
So với Ung thư và tim mạch, bệnh đái tháo đường được coi là một trong ba căn bệnh gia tăng nhanh nhất trên hành tinh này. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường có xu hướng ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là các nước Châu Á thái Bình Dương. Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, căn bệnh này trung bình mỗi ngày có đến 80 người tử vong. Sự nguy hiểm của nó là những biến chứng do đường máu tăng cao kéo dài gây ra tại các cơ quan cốt lõi trên cơ thể người như: tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu. Biến chứng này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh hiểm nguy như bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại tử chi vv… cho dù đó là bệnh tiểu đường type 2 hay type 1.
Theo tài liệu nghiên cứu khoa học về bệnh đái tháo đường của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bảo Hiến – BVĐK An Phú: Bệnh đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất bởi sự tăng Glucose huyết do khiếm khuyết về tiết Insulin, về tác động Insulin (một loại hormone từ các tế bào đảo tụy ở tuyến tụy tiết ra. Chúng có tác dụng chuyển hóa các chất carbohydrate trong cơ thể. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu).
Biến chứng của bệnh đái tháo đường
Mạn tính
Ở trường hợp mạn tính: diễn ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt những người không kiểm soát tốt đường huyết, stress oxy hóa và viêm mạng tính được cho là tác nhân chính làm hư hại hệ thống mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, từ đó phát sinh biến chứng. Biến chứng tim mạch là một trong số những biến chứng của bệnh đái tháo đường nguy hiểm nhất. Theo thống kê từ chương trình phòng ngừa Quốc gia, có trên 65% số ca tử vong ở người bệnh đái tháo đường là do bệnh tim và đột quỵ. Sự tiến triển của các bệnh về tim mạch là hệ lụy khó tránh khỏi với bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây di chứng liệt và tử vong.
Tiếp theo là biến chứng thần kinh do đái tháo đường. Đây là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường bao gồm: Bệnh thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến những dây thần kinh cảm giác làm méo mặt hay liệt tứ chi …); Bệnh thần kinh tự chủ (Ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát hoạt động tự chủ như nhịp tim, tuyến tiết mồ hôi, tuyến dịch tiết…).
Biến chứng Mắt do bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân do đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, gây bệnh võng mạc. Dần dần làm người bệnh bị suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa. Đây cũng là biến chứng làm tăng nguy cơ khác như đục thủy tinh thể, tăng nhã áp, phù hoàng điểm.
Biến chứng dẫn đến thận: Do lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới mạch máu nhỏ tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn là dẫn đến suy thận không hồi phục.
Biến chứng nhiễm trùng: Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó rất dễ bị nhiễm trùng, như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu lành… tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài và khó điều trị. Ngoài ra đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều cơ quan khác như cơ xươngkhớp, não bộ hay các bệnh về da…
Cấp tính
Đối với biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường: Thường xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn và rất dễ tử vong nếu không xử lý hay cấp cứu kịp thời. Triệu chứng này xảy ra khi: đường huyết đói dưới 3.6mmol/L (65mg/dL) còn gọi là Hạ đường huyết. Nguyên nhân có thể do quá liều thuốc hạ đường huyết, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu bia… Dấu hiệu để nhận biết: đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vả mồ hôi, choáng váng, hồi hộp, đánh trống ngực. Đây là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của dái tháo đường.
Ngược lại với hạ đường huyết, đường huyết quá cao cũng dẫn đến hôn mê do nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu. Hôn mê do tăng đường huyết là biến chứng nặng và rất dễ tử vong, đòi hỏi người bệnh phải cấp cứu ngay lập tức.
Cách phòng và điều trị
Theo các Bác sĩ chuyên khoa nội – BVĐK An Phú, để điều trị bệnh đái tháo đường có kết quả, cần phối hợp tốt giữa chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện và cách dùng thuốc. Bên cạnh đó việc phòng ngừa các biến chứng, cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Đối với chế độ vận động: cần vận động, thể dục hợp lý giúp cải thiện tác dụng Isulin, làm giảm glucose máu lúc đói, glucose máu sau ăn, cải thiện các rối loạn chuyển hóa, tim mạch và tâm lý bệnh nhân đái tháo đường.
Chế độ dinh dưỡng: Đây là một trong các tác nhân quan trọng giúp bệnh nhân duy trì thể trạng tốt nhất. Tùy theo từng thể trạng mà người bệnh cần cung cấp dinh dưỡng theo chế độ hợp lý, đủ calo. Khuyến cáo từ các Bác sĩ chuyên khoa, những người mắc chứng bệnh đái tháo đường, nên dùng đường đa phân tử (tức tinh bột) bánh mì, chất có bột, rau, chúng sẽ hấp thu qua đường ruột chậm làm tiết Insulin vừa phải. Tránh các loại đường đơn như thức ăn ngọt (kẹo, mật, sữa chua, bánh ngọt) chúng có lượng đường hấp thu nhanh làm tăng tiết insulin sớm. Đồng thời nên dùng dầu thực vật, cá chứa các acid béo không bão hòa cho bệnh nhân đái tháo đường.
Dùng thuốc: Tùy theo mức độ bệnh của từng bệnh nhân khi mắc chứng đái tháo đường mà bệnh nhân phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Trong chỉ định chung của bệnh đái tháo đường thường dùng Insulin (Insulin có nguồn gốc từ tụy bò, lợn, đôi khi từ cá ngừ, hoặc có cấu trúc hoàn toàn giống insunlin từ tụy người được làm bằng công nghệ sinh học). Hoặc dùng các nhóm thuốc hạ đường huyết như: Sulfamid; Biguanid; Nhóm ức chế alpha – glucosidase; Thiazolidinedion; Nhóm đồng vận GLP-1; Nhóm ức chế DPP4.
Theo y học hiện đại về bệnh lý đái tháo đường, cho đến thời điểm hiện nay chưa thể nói một loại thuốc đặc trị nào chữa dứt điểm căn bệnh này, bởi đái tháo đường luôn là bệnh lý mạn tính kéo dài, người bệnh dường như phải chung sống suốt đời với nó. Để ngăn ngừa và điều trị một cách hợp lý nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường thì việc phát hiện sớm biến chứng cầu thận có vai trò quyết định trong kết quả điều trị. Việc kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm bệnh thận do đái tháo đường là rất cần thiết, vì các can thiệp có thể trì hoãn và có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh thận giai đoạn cuối. Các biện pháp can thiệp có thể làm giảm bài tiết Albumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm can thiệp giảm huyết áp và kiểm soát đường huyết. Kiểm tra huyết áp chặt chẽ làm chậm tiến triển bệnh thận do đái tháo đường. Đồng thời, kiểm soát tích cực đường huyết làm giảm tiến triển của Microaalbumin niệu đến 25%. Bên cạnh đó cần kết hợp thay đổi lối sống, giảm cân, chế độ ăn giảm muối, kiêng rượu, tập luyện, điều trị thuốc ức chế men chuyển. Đặc biệt trong quá trình điều trị của mỗi bệnh nhân đái tháo đường phải tuân thủ nghiêm ngặc theo đúng chỉ định của bác sĩ nhằm hạn chế và cải thiện hiệu quả biến chứng để chung sống hòa bình với căn bệnh này.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa An Phú đang có gói tiếp nhận khám và điều trị bệnh đái tháo đường, được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa hàng đầu và thiết bị công nghệ hiện đại, có thể chẩn đoán bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 ngay cả khi chưa có triệu chứng. Là điểm đến đáng tin cậy – Bệnh viện đa khoa An Phú tự hào mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp nhất. Với đầy đủ các chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ Y, Bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh. Bệnh nhân hoặc người nhà vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú, Số 5 KDC Nam Phương, đường 22/12, KP 1A, P. An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương. Điện thoại số: 0274 6550 115 – 0911071001. Mail: benhvienanphu@gmail.com; Zalo: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú Facebook: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú.
Tư vấn chuyên khoa: BS.CKII Nguyễn Bảo Hiến
Bài viết: Gia Gia Hưng