Khoảng 18 giờ ngày 20/10 tại khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa An Phú đã tiếp nhận bệnh nhân là bé trai Nguyễn Tấn Khang, 4 tuổi, nhập viện trong tình trạng toàn thân da tái xanh nhợt nhạt, bé mê man, mạch đập nhanh… Theo lời của ba bé Khang kể : trước đó gần 2 ngày bé sốt cao, mệt lừ, tim đập thình thịch, thấy tình trạng nguy kịch nên gia đình đưa bé đến bệnh viện. Kiểm tra ban đầu, qua điện tâm đồ thể hiện nhịp tim lên đến 243 bpm tức tăng gấp 3 lần so với nhịp tim bình thường của trẻ từ 3 – 4 tuổi là 70 đến 136 nhịp/phút.
Nhận định từ trực ban cấp cứu, Bác sĩ CKI Hoàng Như Phúc – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, BVĐK An Phú đã chẩn đoán chính xác ở bệnh nhân là Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Tiến hành xử lý cấp cứu bằng thủ thuật ấn nhãn cầu. Đây là thủ thuật được áp dụng tại các cơ sở có Tim mạch can thiệp. Bệnh nhân đã được tiến hành làm thủ thuật ấn nhãn cầu 3 lần. Bằng kỹ thuật và thủ thuật nghiệp vụ, cho bệnh nhân hít một hơi sâu sau đó tạm nín thở và nhắm mắt, Bác sĩ dùng hai miếng gạc mềm sạch đặt lên mắt bệnh nhân, dùng hai ngón tay cái ấn từ nhẹ đến mạnh dần theo mức chịu đựng của bệnh nhân, đồng thời theo dõi nhịp tim trên mornitor. Và kết quả sau ba lần ấn nhãn cầu, nhịp tim bệnh nhân đã trở về được nhịp xoang bình thường với tần số 116 lần/ phút, hết cảm giác hồi hộp, tức ngực, khó thở, HA 100/60. Với thủ thuật ấn nhãn cầu, chỉ trong thời gian ngắn đã giúp bệnh nhân cắt được cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất đe dọa tính mạng. Hiện sức khỏe bé Khang đã trở lại bình thường và đang được các bác sĩ theo dõi và sẽ được xuất viện trong nay mai.
Nói về Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, Bác sĩ CKI Hoàng Như Phúc – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, BVĐK An Phú cho biết: Rối loạn nhịp tim có nhiều loại khác nhau, nhưng thường gặp hơn cả tại khoa cấp cứu là cơn nhịp tim nhanh kịch phát trên thất. Các triệu chứng lâm sàng Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất thường xảy ra ở những bệnh nhân không có bệnh tim thực tổn. Tuy nhiên có một số trường hợp cũng có thể xảy ra ở các bệnh nhân có bệnh tim thực tổn. Khai thác tiền sử có thể thấy bệnh nhân có những cơn hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, sự xuất hiện và kết thúc cơn nhịp nhanh khá đột ngột. Trong cơn bệnh nhân có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, lo lắng, tim đập rất nhanh. Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất thường ít ảnh hưởng đến huyết động và thường không kéo dài. Song có một số ít trường hợp, cơn có thể kéo dài hàng ngày và có thể gây tụt huyết áp hoặc suy tim. Nghe tim nhịp tim thường rất đều, tần số trung bình 180-200 ck/phút. Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể kết thúc đột ngột hoặc khi bệnh nhân hít sâu vào rồi thở ra nhưng đóng chặt thanh môn (rặn thở) hoặc khi được bác sĩ xoa xoang cảnh hay ấn nhãn cầu…
Để xử lý cấp cứu cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất khác nhau tùy thuộc vào huyết động của bệnh nhân mà có thể lựa chọn sốc điện không đồng bộ hoặc dùng các thủ thuật và thuốc điều trị rối loạn nhịp tim. Trong các trường hợp tương tự, việc đầu tiên là phải được xử trí đúng đắn và kịp thời. Điều này rất quan trọng trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân đòi hỏi cần cắt Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất kịp thời nhằm giảm tỉ lệ thương vong và tử vong cho người bệnh.
(Gia Gia Hưng )