CÒN ĐÓ NỖI ĐAU TRONG CƠN ĐẠI DỊCH COVID-19

Hai năm qua, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế – xã hội, thách thức hệ thống y tế nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Chúng ta đã trải qua hoàn cảnh hết sức khốc liệt và khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của nhiều biến chủng vô cùng nguy hiểm … Với đội ngũ y bác sĩ trực tiếp điều trị trong tâm dịch, mỗi lần chứng kiến bệnh nhân COVID-19 “buông tay” dù họ đã nỗ lực hết những gì có thể, nhưng tất cả đều là nỗi ám ảnh và đau thương nhất. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi xin ghi nhận đôi điều bộc bạch của bác sĩ Nguyễn Đình Đạt – một cựu binh bác sĩ hồi sức cấp cứu và là bác sĩ điều hành và điều trị trực tiếp tại Bệnh Viện đa khoa An Phú trong những ngày mà Bình Dương lâm bệnh nặng vì Covid -19.

Những ngày tháng khó quên

Từ nửa cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 năm 2021, mỗi ngày Bệnh viện đa khoa An Phú, Bình Dương thu dung từ 70 đến 80 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó, tình trạng bệnh nhân trở nặng và quá tải trở nên trầm trọng. Dốc hết sức lực của mình, đội ngũ y, bác sĩ  BVĐK An Phú  vẫn kiên cường bám trụ chăm sóc bệnh nhân đến hơi thở cuối cùng… Nhớ lại thời khắc đó, Bác sĩ cao cấp Nguyễn Đình Đạt – người chỉ huy chuyên môn tại Bệnh viện đa khoa An Phú lúc bấy giờ đã bộc bạch với chúng tôi về thời điểm “nước sôi lửa bỏng” không thể nguôi ngoai.

Bác sĩ cao cấp Nguyễn Đình Đạt – người trực tiếp điều hành & điều trị Covid -19 tại BVĐK An Phú trong đợt cao điểm

Bác sĩ Nguyễn Đình Đạt cho biết: Đầu tháng 7/2021, BS. CKII Nguyễn Bảo Hiến –  Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa An Phú có công việc gấp phải đi công tác nước ngoài, đây cũng là thời điểm dịch Covid-19  lần thứ 4  bùng phát mạnh nhất. Nhận được sự điều động của Hội đồng quản trị và sự ủy nhiệm của Giám đốc Bệnh viện An Phú, Bác sĩ Nguyễn Đình Đạt không chần chừ, bắt tay vào nhận nhiệm vụ điều hành khám và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện An Phú.  Trách nhiệm hết sức nặng nề khi số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày một tăng, trong khi cơ sở vật chất chưa đủ mạnh, đội ngũ nhân viên lúc này gần như kiệt sức sau quá trình “chiến đấu” với đại dịch. Hơn nữa, với tuổi đời đã sắp bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi”, cơ thể lại có một số bệnh nền, nhưng với bản lĩnh người lính cụ Hồ, kinh qua nhiều năm là lính quân y, từng là bác sĩ hồi sức cấp cứu, cứu sống cho biết bao đồng đội dưới mưa bom lửa đạn nên bác luôn ý thức là lấy “Tâm đức” làm đầu để bảo vệ sức khỏe và sẵn sàng xung phong để cứu sống bệnh nhân.

Những cái chết chóng vánh và cô đơn

Những ngày nửa cuối tháng 7/2021 là thời điểm “nóng” nhất và kín đặc giường bệnh cũng là lúc các y bác sĩ làm việc hết tốc lực. Ước tính mỗi ngày Bệnh viện An Phú phải thu dung từ 70 đến 80 bệnh nhân Covid-19. Dù trưng dụng tất cả các tầng, các buồng, phòng và cả ngoài đại sảnh Bệnh viện nhưng cũng không thể đáp ứng đủ số giường cho bệnh nhân. Dù không đủ giường, nhưng với chủ trương cứu người là trên hết nên bác sĩ Đạt cùng tập thể y bác sĩ Bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm vì đại dịch, hầu hết bệnh nhân đến đây một thân một mình, không có người nhà, nhiều bệnh nhân cố gắng vượt qua cơn sinh tử bởi lúc này số lượng y bác sĩ có hạn trong khi bệnh nhân ngày một tăng. Giữa lúc sự sống và cái chết hết sức mong manh đối với các bệnh nhân trở nặng và rất nặng có nguy cơ tử vong cao, các y bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện tuy ít nhưng họ vẫn luôn nhiệt tình xem bệnh nhân như người nhà. Giải pháp đặt ra là “còn nước còn tát”, “cứu người như cứu lửa”. Cùng với người chỉ huy điều trị là bác sĩ Đạt, các y bác sĩ luôn làm việc hết sức mình, thường xuyên kiểm tra lượng oxy máy thở, chăm bón từng thìa thức ăn, vệ sinh tại chỗ cho người bệnh. Lúc này Bệnh viện An Phú cũng trang bị thêm máy giúp thở và đặc biệt là lượng Oxy cung cấp cho bệnh nhân luôn trong kế hoạch dự trừ cao bởi có đến 40% tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và nguy kịch. Nhận định bước đầu về căn bệnh Covid-19 này, theo bác sĩ Đạt là nó không giống với những bệnh phổi và hô hấp khác, khi nhiễm bệnh người bệnh không bị vật vã nhiều, không kích thích nhiều, người bệnh cứ lặng im không rên la.. nhưng nếu không đủ nhân viên chăm sóc, hoặc không để tâm, không tăng liều oxy thì rất dễ dẫn đến tử vong.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn của đợt cao điểm dịch bệnh Covid -19 nhưng các y bác sĩ vẫn xả thân dành lấy sự sống cho bệnh nhân trong từng phút giây

Trong cuộc chạy đua gấp gáp giành lấy sự sống cho người bệnh từ tay “tử thần” COVID-19, các y bác sĩ là những người trực tiếp chứng kiến, họ cũng có những lúc chững lại, lặng xuống khi nhiều bệnh nhân “bỏ cuộc, buông tay”. Mỗi khi có bệnh nhân tử vong là một nỗi ám ảnh với các y bác sĩ, bởi có những bệnh nhân từ khi vào Viện đến khi ra đi, các bác sĩ chỉ biết tên chứ chưa một lần bệnh nhân tỉnh táo để trò chuyện.

Chứng kiến cảnh một người con đi tìm mẹ trong cơn bạo bệnh tại Viện, khi hỏi “mẹ em đâu rồi ?!” được các bác sĩ báo tin đã mất, người con òa khóc trong hoàn cảnh khi người bố cũng vừa mới qua đời ở Bệnh viện quốc tế Becamex do Covid -19. Thật cám cảnh xót thương!. “Không thể tưởng tượng khi đọc những thông tin ở Ấn Độ hay Indonesia mà ngay lúc này tại Viện nơi các bác sĩ đang làm việc lại chứng kiến nhiều hoàn cảnh hết sức đau lòng” Bác sĩ Đạt nói trong ngậm ngùi. Một sự ngạc nhiên và sốc nhất đối với bác sĩ Đạt là chứng kiến những bệnh nhân bị tử vong với cái chết liền kề, tức là lúc đầu nhập viện chưa khó thở, chưa cảm thấy nguy kịch, nhưng chỉ trong tích tắc thời gian rất ngắn bệnh nhân đã  “buông tay” không lời trăn trối.

Khoa hồi sức cấp cứu – BVĐK An Phú luôn sẵn sàng với lượng oxy đầy đủ

Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều cô đơn ở nơi điều trị, lúc ra đi cũng không có người thân ở bên cạnh, sự khủng khiếp ấy của dịch bệnh mà từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ. Và chính các y bác sĩ, nhân viên y tế, những người trực tiếp ở cạnh, chứng kiến mới thấy chạnh lòng. Bệnh nhân tử vong còn phải chờ đợi một khoảng lặng để đội tình nguyện di chuyển đến đài hỏa thiêu trong khung cảnh âm thầm lặng lẽ.

Vì không có người thân bên cạnh nên những bệnh nhân không may qua đời trong cơn dịch bệnh thường để lại ít nhiều đồ đạt tùy thân. Những kỷ vật này tuy không quá lớn về mặt giá trị, chẳng hạn như túi xách, cây gậy hay các túi đồ vật nhưng luôn được các y bác sĩ lưu giữ tại Viện để liên hệ người nhà đến nhận lại hoặc có nhiều bệnh nhân sau khi qua đời không liên hệ được người nhà thì được Bệnh viện niêm phong để gửi về cơ quan chức năng giúp người thân họ tìm lại kỷ vật.

Cùng chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 trong tình hình mới

Đã qua rồi những ngày gian khổ, qua rồi những cú sốc cùng cực khi nhìn thấy những bệnh nhân phải ra đi trong tuyệt vọng, nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn trong tâm trí các thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch. Dù vậy, giờ đây trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi Covid -19 trong trạng thái bình thường mới, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện đa khoa An Phú vẫn tiếp tục  điều trị, khám chữa bệnh trên hành trình mới.

Một gia đình bệnh nhân COVID -19 được xuất viện trong niềm vui tại BVĐK An Phú

Hiện, Bệnh viện đa khoa An Phú đã thành lập khoa Nội – Nhiễm, chuyên điều trị CoVid – Sars CoV2 và một số bệnh truyền nhiễm khác.  Đây cũng là chủ trương của Bộ y tế về việc thành lập khoa điều trị lây nhiễm  trong tình hình mới đối với các cơ sở y tế. Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nhiễm Sars-CoV2 ở tầng 1 và tầng 2. Đối với những bệnh nhân chuyển nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Đến giai đoạn hiện nay, dịch bệnh CoVid- 19 vẫn diễn biến phức tạp với chủng mới Omicron đang lây lan rất nhanh trên thế giới, tuy nhiên theo chủ trương chung của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19, số lượng người dân được tiêm ngừa Vaccine covid 19 đã được phủ khắp nên về cơ bản đã khống chế dịch bệnh. Song, không thể chủ quan. Bên cạnh việc khám và điều trị bệnh cho người dân, Bệnh viện đa khoa An Phú luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, thực hiện nghiêm biện pháp 5K cho bệnh nhân và người nhà khi đến thăm khám.

(Gia Gia Hưng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *