Nhân loại toàn cầu đang gồng mình đối mặt với đại dịch Covid-19, trong cuộc chiến này đòi hỏi mọi người, mọi nhà ở mỗi Quốc gia đều tuân thủ ý thức nghiêm ngặt mới có thể vượt qua cơn đại dịch. Vậy nên, chúng ta cần hành động cấp bách để chống dịch, đặc biệt với những người có bệnh nền như ĐTĐ, HAC.
Đại dịch Covid-19 đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp của triệu triệu người trên toàn cầu. Tính đến 19h ngày 11/4 trên thế giới đã ghi nhận 1.705.845 trường hợp nhiễm dương tính với virus Corona làm chết 103.233 người. Tại Việt Nam đến ngày 12/4 đã có 258 trường hợp dương tính với virus Corona, tuy Việt Nam chưa có trường hợp tử vong nhưng số người lây nhiễm dương tính với Covid-19 ngày một tăng gây tâm lý đáng lo ngại cho toàn xã hội. Mối đe dọa càng trầm trọng hơn cho những người lớn tuổi, đặc biệt là đối với những bệnh nhân đang mắc bệnh Đái tháo đường, Tăng huyết áp, tim mạch thì nguy cơ lây nhiễm với vius corona- (SARS-CoV-2) chiếm tỉ lệ rất cao.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính nghiêm trọng (như bệnh tim, đái tháo đường, bệnh phổi và các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng) có thể dễ bị COVID-19 hơn, thậm chí có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ loại virus này.
Thống kê từ tổ chức y tế thế giới (WHO), tại Ý ngày 17/3/2020 cho thấy, cứ 100 bệnh nhân CoVid -19 tử vong thì có đến 76 bệnh nhân đang có mầm bệnh Tăng huyết áp và Đái tháo đường.
Từ những số liệu đáng lo ngại như trên, chính phủ Việt Nam và các chuyên gia y tế đã đưa ra những chỉ đạo và khuyến cáo đặc biệt nhằm phòng chống dịch Covid-19 cho người lớn tuổi và các bệnh nhân có nguy cơ cao ở bệnh tim mạch Huyết áp cao và Đái tháo đường.
Bệnh tim mạch, Huyết áp cao:
Đối với những người mắc bệnh tim có xu hướng mắc các bệnh tiềm ẩn khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol…là nền tảng làm suy yếu hệ thống phòng vệ sức khỏe của cơ thể (bao gồm cả hệ thống miễn dịch) chống lại nhiễm virus. Các nhà khoa học giải thích, sốt, viêm phổi có liên quan đến COVID-19 gây thêm căng thẳng cho trái tim. Thêm vào đó, tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể làm hỏng niêm mạc mạch máu.
Theo GS.TS. Đặng Vạn Phước – Chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam: “Trong thời gian Covid-19, bệnh nhân tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ những ý sau: Thứ nhất, ở nhà, không giao tiếp xã hội khi không cần thiết. Thứ hai, theo dõi huyết áp thường xuyên, ghi nhận triệu chứng nếu có và báo cho bác sĩ điều trị thông qua điện thoại, các công cụ hỗ trợ trực tuyến. Thứ ba, phải uống thuốc đều, không tự ý bỏ thuốc, dừng thuốc. Các nhà thuốc vẫn mở cửa để bệnh nhân có thể có thuốc đầy đủ trong mùa dịch”
Bệnh đái tháo đường
Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế (IDF) cho hay, những người mắc bệnh đái tháo đường, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, cơ thể khó khăn hơn để chống lại COVID-19. Virus cũng có thể phát triển mạnh khi đường huyết tăng cao. Các chuyên gia cho hay, nếu một người bị nhiễm virus, điều này có thể biến thành viêm phổi dễ dàng hơn, vì bản thân bệnh đái tháo đường là một bệnh viêm nhiễm. Ngoài ra, một người mắc bệnh đái tháo đường, khi nhiễm virus, có thể làm tăng lượng đường trong máu, điều đó cũng có thể dẫn đến các biến chứng khó lường.
IDF khuyến cáo, những người mắc bệnh đái tháo đường nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong đợt bùng phát COVID-19. Mọi người nên thực hiện rửa tay kỹ và thường xuyên, tránh chạm vào mặt càng nhiều càng tốt, làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào và tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng của bệnh hô hấp. IDF cũng khuyến nghị các bước phòng ngừa bổ sung: Theo dõi lượng đường trong máu, đảm bảo có đủ thuốc, thực phẩm để kéo dài ít nhất trong vòng một tháng và nên tránh tiếp xúc nơi đông người.
Phát biểu trên diễn đàn sức khỏe, GS. TS Trần Hữu Dàng – Chủ tịch hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam:
“Trước hết, tất cả người dân đều phải tuân thủ quy định về phòng bệnh Covid-19 của chính phủ. Riêng đối với bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý kiểm soát đường huyết không chỉ giúp ngăn ngừa biến chứng. Theo rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, một người đái tháo đường nếu kiểm soát tốt được đường huyết sẽ góp phần làm tăng sức đề kháng của cơ thể đặc biệt là đối với vi khuẩn, vi rút. Ba vấn đề quan trọng để kiểm soát đường huyết hiệu quả là dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, tập thể dục 30 phút một ngày và ăn uống theo chế độ đúng, lành mạnh.”
Bên cạnh những khuyến cáo trên, người bệnh và người nhà bệnh nhân cần hiểu đúng việc hạn chế tiếp xúc xã hội, không tập trung nơi đông người… Tuy nhiên, đây là hạn chế tiếp xúc xã hội chứ không phải quay lưng, phó mặt cho thời cuộc mà trì hoãn việc khám lại theo hẹn, không liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và tiếp tục lấy thuốc để dùng tiếp. điều này thật sự nguy hiểm vì bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường đều là những bệnh lý mạn tính, thường không có các triệu chứng, dấu hiệu rõ ràng; tuy vậy, nếu không tuân thủ điều trị tốt có thể gây ra các biến chứng cấp tính, nặng nề, thậm chí đe doạ tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ…
Không phải ngẫu nhiên mà Thế giới đã gọi bệnh Tăng Huyết Áp và Đái Tháo Đường là “kẻ giết người thầm lặng” vì mỗi năm chỉ riêng hai căn bệnh này đã là nguyên nhân gây tử vong của hàng chục triệu người trên thế giới, cao gấp nhiều lần so với số ca tử vong vì COVID-19. Chính vì vậy, giữa mùa dịch Covid-19, nếu người khỏe mạnh bình thường đã sẵn sàng trong tâm thế phòng chống dịch một, thì những bệnh nhân Tăng Huyết Áp và Đái Tháo Đường phải cố gắng gấp nhiều lần. Bệnh nhân và người nhà cần thường xuyên quan tâm sức khỏe chính mình và người thân bằng cách:
– Hãy ở nhà nhiều nhất có thể, trong những ngày hạn chế ra đường như thế này, người lớn tuổi mắc bệnh lý tăng huyết áp/đái tháo đường cần lưu lại các số điện thoại của ít nhất 3 người, đó là người thân trong gia đình và bác sĩ đang điều trị cho mình.
– Tuân thủ điều trị và theo dõi các chỉ số: Sự tuân thủ chỉ định bác sĩ cũng như kiểm soát các chỉ số ổn định, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao, bảo vệ sức khoẻ.Người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường phải được nhận thuốc tối thiểu 2 tháng/ 1 lần khám trong mùa dịch COVID-19(theo thông tư số 1386 của Ban Chỉ Đạo Quốc gia). Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; Đảm bảo người bệnh có đủ thuốc trong giai đoạn cách ly xã hội; Nếu đến ngày thăm khám hãy gọi cho bác sĩ điều trị để xin ý kiến. Thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp và đường huyết mỗi ngày; Chú ý triệu chứng hạ đường huyết quá mức và luôn có sẵn kẹo/đường/sữa/mật ong.
– Uống đủ nước: Việc uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm, sẽ rất tốt cho cơ thể; Cung cấp đủ nước (tương đương 1,6-2 lít nước/ngày) giúp cơ thể tăng cường đề kháng, hoạt động tối ưu.
– Kiểm tra các triệu chứng và cách xử lý hạ đường huyết tại nhà. Bên cạnh đó cần kết hợp thay đổi lối sống, giảm cân, chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, kiêng rượu, tập luyện, hết sức cần thiết. Điều này bạn có thể dễ dàng thực hiện thông qua việc xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng và tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày.
Cùng với căn bệnh Đái tháo đường, Huyết áp cao, Bệnh hô hấp cấp mạn tính và bệnh trầm cảm cũng đã xếp vào danh sách những căn bệnh cần đặc biệt thận trọng với COVID-19, vì một trong những biến chứng có thể xảy ra là viêm phổi. Viêm phổi làm tổn thương phổi, khiến việc đưa oxy đến cơ thể khó khăn hơn. Ở những bệnh nhân đã mắc bệnh hô hấp mạn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.
Chính vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ và khuyến cáo từ các tổ chức Y tế, ngoài việc rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, đeo khẩu trang, tránh xa nơi đông người, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (như viêm phế quản mãn tính hoặc khí phế thũng) nên có đủ tất cả các loại thuốc cần thiết trong ít nhất 30 ngày. Bên người nhà cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, hỗ trợ hệ miễn dịch, đảm bảo việc tuân thủ điều trị, phối hợp với bác sỹ điều trị để điều chỉnh phác đồ thuốc cho bệnh nhân nếu cần thiết.
Đồng hành cùng những bệnh nhân trong mùa dịch Covid-19 , Bệnh viện đa khoa An Phú luôn sẵn sàng tư vấn và tiếp đón bệnh nhân đến thăm khám và điều trị. Với đầy đủ các chuyên khoa, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm sẵn sàng phục vụ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh. Bệnh nhân hoặc người nhà vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú, Số 5 KDC Nam Phương, đường 22/12, KP 1A, P. An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương. Điện thoại số: 0274 6550 115 – 0911071001. Mail: benhvienanphu@gmail.com; Zalo: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú Facebook: Bệnh Viện Đa Khoa An Phú.
Tư vấn chuyên khoa:
BS.CKII Nguyễn Bảo Hiến
BS.CKI Hoàng Như Phúc
Bài viết: Gia Gia Hưng