Báo Động khẩn cấp: nguy cơ “dịch chồng dịch” khi sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện

Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, Khoa Nội Tổng hợp – Bệnh viện Đa Khoa An Phú đã tiếp nhận và điều trị các trường hợp người lớn nhập viện vì sốt xuất huyết. Dù chưa bắt đầu vào mùa cao điểm của dịch, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nguy cơ “dịch chồng dịch” sẽ xảy ra nếu không chủ động đối phó.

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra với các triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Tuy nhiên, yếu tố dịch tễ và đường lây truyền của 2 bệnh này khác nhau hoàn toàn.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Nơi – Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa An Phú cho biết “Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết và tâm lý ngại đến cơ sở y tế trong mùa dịch COVDI-19 dẫn đến có thể phát hiện bệnh muộn, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh, chính vì vậy, điều quan trọng nhất là các biện pháp phòng ngừa để hạn chế bị muỗi đốt – nguyên nhân chính gây bệnh; đồng thời phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết Dengue”

Không chỉ có các triệu chứng ban đầu như trên, sốt xuất huyết cũng có thể gây các biến chứng nhanh ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết, suy đa tạng, sốc, viêm cơ tim… Nhiều người thường chủ quan do lầm tưởng sốt xuất huyết với sốt do virus thông thường sẽ dần tự khỏi nên thường hay nhập viện trễ.

Cùng tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý Sốt xuất huyết ở người lớn

Sốt xuất huyết là gì ?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Virus này lây truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, trong đó muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là loại truyền bệnh chủ yếu. Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.

Chẩn đoán căn nguyên virus dengue

Sốt xuất huyết có những triệu chứng giống với sốt do virus thông thường. Để chẩn đoán căn nguyên virus Dengue, người bệnh cần được Xét nghiệm huyết thanh:
–  Test nhanh Dengue NS1 (tìm kháng nguyên NS1 trong 05 ngày đầu của bệnh, tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi); Xét nghiệm ELISA (tìm kháng thể IgM, IgG)
–  Test chậm như: Xét nghiệm PCR, phân lập virus

Các cấp độ và dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở người lớn: 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới 2009, Sốt xuất huyết được chia làm 03 cấp độ và tùy vào mỗi cấp độ, sẽ có các dấu hiệu khác nhau:

1. Sốt xuất huyết Dengue

Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:
– Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
– Da xung huyết, phát ban.
– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của Sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau:
– Vật vã, lừ đừ, li bì.
– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
– Gan to > 2 cm.
– Nôn – nhiều.
– Xuất huyết niêm mạc.
– Tiểu ít.

3. Sốt xuất huyết Dengue nặng

Khi người bệnh có một trong các biểu hiện sau:
– Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (Sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều.
– Xuất huyết nặng.
– Suy tạng.

Điều trị sốt xuất huyết:

Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại các cơ sơ y tế, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

* Điều trị triệu chứng: 
– Nếu người bệnh sốt cao ≥ 39 độ C, cho uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
– Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.

Chú ý:
+ Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h.
+ Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

* Bù dịch sớm bằng đường uống: Cho người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa,cam,chanh, …) hoặc nước cháo loãng với muối.

Nếu người bệnh có các dấu hiệu thuộc cấp độ Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo & Sốc xuất huyết Dengue nặng cần được nhập viện/nhập viện cấp cứu để điều trị kịp thời.

Chú ý:

– Sốt xuất huyết Dengue trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, người béo phì, người cao tuổi; có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, …; người sống một mình hoặc nhà ở xa cơ sở y tế nên xem xét cho nhập viện theo dõi điều trị.
– Trong quá trình điều trị, đặc biệt lưu ý thời điểm giảm sốt (thường rơi vào ngày thứ 4 mắc bệnh) – thời điểm nguy hiểm nhất vì có thể xuất hiện các biến chứng nặng khi người bệnh đang sốt cao, đột ngột chuyển sang hết sốt nhưng chân tay lạnh, mệt mỏi li bì, có thể kèm theo nôn hoặc đi ngoài ra máu.
– Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người có biểu hiện sốt xuất huyết cũng cần được sàng lọc COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR SARS-CoV-2 để được phân loại sớm, xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn mùa dịch.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như:

– Diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng
– Đậy kín các vật dụng chứa nước, thường xuyên thay nước ở các bình hoa.
– Thả cá để diệt lăng quăng
– Tránh muỗi đốt bằng cách: treo màn khi ngủ, xịt muỗi, thoa kem chống muỗi, mặc áo quần dài tay..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *